Mạnh ai người đó nói và mạnh ai người đó làm?

Posted: 15/03/2010 in Chuyên môn kiến trúc, Kiến trúc việt nam
Thẻ:, , , , , , ,

Tác giả: KTS TRẦN THANH VÂN

Tại sao cứ duy trì mãi lối tư duy “giật gấu vá vai” bằng cách đập đi vài cái nhỏ xây nên một cái lớn, đập đi cái thấp tầng xây nên cái cao tầng, rồi vẫn theo cách tủn mủn tìm thấy chỗ nào trống thì “xen cấy”. Bệnh “Xen cấy” đã từng xuất hiện ở những nơi quá chật chội và thiếu đất!

LTS: Xung quanh tranh cãi trong việc cho phép xây dựng trung tâm thương mại gần Hồ Gươm, để rộng đường dư luận, Tuần Việt Nam giới thiệu góc nhìn riêng của KTS Trần Thanh Vân.

Kể từ chiều 29/5/2008, 92/9% Đại biểu Quốc Hội đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết mở rộng Thủ đô từ 910Km2 lên 3344,47Km2, đến nay đã ngoài 21 tháng. Hăm mốt tháng là thời gian chưa quá dài, nhưng cũng đủ khiến nhiều người trong chúng ta phải suy nghĩ lo âu đến mệt mỏi. Ta gọi đó là vòng luẩn quẩn của một công việc có tên là Quy hoạch Thủ đô.

Chuyện cũ

Tôi may mắn có dịp theo rõi công việc này 43 năm, kể từ ngày có nghị quyết của Bộ Chính trị xây Thủ đô mới ở Vĩnh Yên, rồi bao nhiêu lần chúng tôi phải đạp xe đạp hoặc đi tầu đêm đến chờ sẵn ở thị xã Vĩnh Yên, để sáng hôm sau tháp tùng Bộ trưởng Bùi Quang Tạo đi thực địa quần nát cả Khu Đầm Vạc, nơi đó sẽ là Trung tâm chính trị thay Ba Đình mà việc đầu tiên là bố trí xây Trung tâm hội nghị của 81 Đảng Cộng Sản sẽ tổ chức vài năm sau đó, gồm nhiều biệt thự ven hồ và hội trường nguy nga.

Tôi còn nhớ ngày đó chiến tranh ác liệt là vậy mà người ta cũng điều được khá nhiều phương tiện cơ giới đến gọt trọc mấy quả đồi để xây dựng thị trấn Xuân Hòa, đêm đến đường phố Xuân Hòa cũng có đèn huỳnh quang, cũng có xí nghiệp sản xuất kem mát lạnh. Ngày đó tôi còn quá trẻ, nên không biết lệnh ban ra từ đâu?

Chỉ thấy mọi người răm rắp chấp hành, một thời gian sau chúng tôi được lệnh trở về đi thực địa phía Nam sông Hồng, rồi mấy mấy năm sau nữa không còn ai nhắc đến Vĩnh Yên và Xuân Hòa. Một quyết định trọng đại đến cũng nhanh mà hủy đi cũng nhanh. mọi người thở phào nhẹ nhõm, không mấy ai muốn nhắc lại kỷ niệm thời đó làm gì.

Thế mới thấy việc gì cũng có thể đổi thay, miễn là phải suy nghĩ, phải cân nhắc và đặc biệt là phải thực sự cầu thị, đừng ngoan cố, đừng bảo thủ và đừng xấu hổ nếu ta buộc phải phủ nhận ta khi ai đó nhắc cho ta biết là ta đang suy nghĩ và hành động sai.

Năm tháng trôi qua, những người có nghề nhưng chưa bao giờ được “hành nghề” chúng tôi giật mình phát hiện ra Hà Nội đang như một cơ thể CON NGƯỜI phát triển mất cân đối: Đầu càng ngày càng to, bụng càng ngày càng phệ, nhưng mông thì teo lại mà tứ chi thì quá khẳng khiu.

Tôi mang hình ảnh CON NGƯỜI với một số từ ngữ nặng nề ra gán cho hình hài Thủ đô chúng ta vì theo phân tích của giáo sư quá cố Nguyễn Hoàng Phương trong tác phẩm Cơ sở Phổ quát của Khoa học Đông Tây Thống nhất nôỉ tiếng thế giới (Oriental philosophy fundamentals and fuzzy set East and West) ông dùng cơ sở Toán học và Triết học Đông phương để phân tích rằng cả vũ trụ bao la, hay một quốc gia rộng lớn hay một đô thị đều có cấu trúc như một cơ thể người, trong đó cấu trúc con người là hoàn chỉnh nhất.

Khi nhìn vào một cơ thể, nếu thấy hình hài cân đối, thì dù con người đó già hay trẻ, béo hay gầy, rắn rỏi hay mảnh mai, con người đó được coi là một người khỏe mạnh, phát triển bình thường, ít bệnh tật. Ngược lại nếu thấy méo mó nghịch mắt, béo những chỗ không nên béo, gầy những chỗ không đáng gầy, da dẻ chỗ đỏ gay chỗ tái mét, cơ thể đó dứt khoát là bệnh hoạn và sẽ có một tương lai thê thảm.

Thành phố Hà Nội khi xưa ít dân, nhà cửa không cao to, cây xanh mặt nước rất nhiều, Hà Nội lúc đó là một cơ thể duyên dáng của một thiếu nữ rất đáng yêu. Khi thành phố có số dân từ 20 vạn tăng lên tới hai rồi ba triệu người, nhà cửa chen chúc, chỗ nào cũng xen cấy, chỗ nào cũng có âm mưu đập nhà thấp xây nhà cao tầng, khắp thành phố người người thiếu nơi ăn chốn ở, rác thải cống rãnh đổ ra hôi thối bẩn thỉu, thành phố có khác nào một con người thừa mỡ, thiếu máu, còi xương hay trầm trọng hơn đang bị bệnh ung thư đã di căn?

Khu vực quanh Hồ Gươm cần hạn chế nhà cao tầng để bảo vệ cảnh quan. Ảnh minh họa: VNE

Chuyện hôm nay

Thành phố nhiều năm qua xập xệ như thế, nhưng nhu cầu phát triển vẫn đặt ra, dân số Hà Nội vẫn mỗi ngày một tăng, tỷ lệ tăng tự nhiên đã lớn, tỷ lệ tăng cơ học còn lớn hơn nhiều. Bởi thế Hà Nội buộc phải có nhiều dự án xây dựng mới và nhiều Khu đô thị mới ở những vùng đất mới là tất nhiên. Quyết định mở rộng Thủ đô hôm nay là kết quả của nhiều năm va vấp toan tính ngược xuôi, đáng lẽ ra đó phải là một cánh cửa để người ta thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn chui rúc trong các ô phố cũ khi xưa.

Tại sao cứ duy trì mãi lối tư duy “giật gấu vá vai” bằng cách đập đi vài cái nhỏ xây nên một cái lớn, đập đi cái thấp tầng xây nên cái cao tầng, rồi vẫn theo cách tủn mủn tìm thấy chỗ nào trống thì “xen cấy”. Bệnh “Xen cấy” đã từng xuất hiện ở những nơi quá chật chội và thiếu đất thôi chứ?

Tại sao Thủ đô mở rộng hai năm rồi mà dân cư sinh sống trong Quận Hoàn Kiếm chật chội vẫn tiếp tục bị uy hiếp bởi một số công trình xen cấy theo mục tiêu kinh doanh mới thu hút thêm nhiều nhân khẩu cơ học, để môi trường quanh nhà họ sẽ còn chật hơn nữa, sẽ còn tắc đường hơn nữa?.

Tôi xin đưa một câu hỏi nhỏ để trả lời một câu hỏi rất lớn.

Tôi xin hỏi các vị rằng: Các nhà quản lý quận cũng như thành phố đã từng làm một phép tính đơn giản mà một sinh viên Kiến trúc vẫn phải làm là dân số toàn quận Hoàn Kiếm hiện tại là số A, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên trung bình là số B, mỗi năm các vị phải kiếm thêm diện tích trường học nhà trẻ, sân chơi cho các cháu là số C, số D và số E.

Vậy nếu giả thiết bây giờ trong Quận Hoàn Kiếm hiện ra một khu đất trống, các vị sẽ xử dụng vào con số C, số D, số E để đảm bảo quyền lợi phát triển bền vững cho dân cư hay các vị thích cầm cái phong bì “đầu tiên” có giá trị N của ai đó, rồi cho ai đó xây một công trình kinh doanh để lại thu hút thêm nhân khẩu tăng cơ học và gánh nặng về hạ tầng điện nước rác thải và tắc ách giao thông thêm nặng nề? Câu hỏi của tôi có lẽ hơi ngớ ngẩn vì chẳng hỏi tôi cũng biết con số N hấp dẫn các vị lắm, còn con số C,D,E chỉ là những con số vô bổ.

Còn tôi, tôi muốn mời các vị nhìn vào bản đồ hiện trạng hôm nay: Trên đường Lý Thái tổ bên số lẻ có 3 ô đất liền nhau: 25 Lý Thái Tổ là trường tiểu học Trưng Vương và Nguyễn Du. 27 Lý Thái Tổ là Siêu thị Intimex, ô đất rất to 29 Lý Thái Tổ là Công ty thiết bị điện, còn phía bên kia đường chỉ có tòa nhà nho nhỏ là Viện Văn học, còn lại là Khách sạn điện lực và nhà khách của Bộ Điện Lực… đều là công trình kinh doanh.

Tôi biết ô phố này đã 55 năm. Lúc tiếp quản Hà Nội, trường tiểu học Nguyễn Du đã có, bà tôi là một trong những giáo viên tiểu học về tiếp quản khu trường và ở lại dậy học luôn.

Phần lớn khu xung quanh là thuộc sở Nhà Đèn của người Pháp để lại, công nhân ngành điện đã có công bảo vệ nhà máy điện Yên Phụ và Sở quản lý Nhà Đèn không để nguồn điện bị phá trước khi Pháp rút quân, chính bởi vậy sau khi tiếp quản Thủ đô, ngành điện non trẻ mới thành lập được ưu tiên “thừa kế” toàn bộ cơ sở của người Pháp để lại, kể cả tòa biệt thự của ông chủ người Pháp.

55 năm trôi qua, dân số quận Hoàn Kiếm tăng lên đến chóng mặt, học sinh đông vô kể, trường tiểu học Nguyễn Du cũ trở thành trường học hai ca: Tiểu học Trưng Vương buổi sáng và Tiểu học Nguyễn Du buổi chiều. Vì học chế độ bán trú nên ngoài buổi chính trên lớp, cô giáo và lũ trẻ con phải dắt díu nhau đi thuê chỗ ăn trưa, ngủ trưa và học chiều.

Tôi rất buồn khi nghĩ đến nền giáo dục suy thoái của ta và càng buồn hơn khi nghĩ đến các cô giáo lương thì thấp, còn lũ trẻ thì không có chỗ ăn, chỗ ngủ. Ngược lại gần như toàn bộ các cơ sở thuộc Ngành Điện lực ở phố Trần Nguyên Hãn, ở phố Đinh Tiên Hoàng và phố Lý Thái Tổ đều trở thành công trình kinh doanh cả rồi.

Tôi thấy một chút buồn buồn khi cách đây mấy ngày, người đứng đầu thành phố- cũng nói với báo giới rằng ông ủng hộ việc quận Hoàn Kiếm trở thành thành trung tâm kinh doanh và dịch vụ thương mại. Có lẽ, ông Chủ tịch thành phố chưa hề tính đếm đến việc AI sẽ đứng ra kinh doanh? Và Kinh doanh sẽ mang lợi CHO AI?

E rằng cơ thể thừa mỡ, đầu to, bụng ỏng của thành phố với bộ xương khẳng khiu sẽ gục ngã mất thôi.

Theo Tuan viet nam

Bình luận về bài viết này